Việc chạy quạt nước hoặc chạy ô-xy đáy trong nuôi tôm là điều kiện hình thành màng bọt trên mặt ao nuôi. Trong điều kiện nước sạch, không nhớt, không có vật chất lơ lửng, màng bọt sẽ nhanh chóng tan đi.
Trường hợp màng bọt lâu tan, tạo thành vệt dài sau guồng quạt hoặc tập trung ở góc ao tạo thành váng bọt là nước có độ nhớt, môi trường nước nuôi đang xấu đi, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm và trường hợp trầm trọng có thể gây thiệt hại cho tôm nuôi.
Sự phân tán của chất khí trong môi trường ao nuôi tạo thành hạt khí có dạng hình cầu. Khi có sự dư thừa ở pha khí, các bọt khí chèn ép nhau và tạo thành các dạng đa diện, phân cách nhau bởi các màng mỏng gọi là màng bọt.
Thời gian tồn tại của màng bọt phụ thuộc bản chất của chất lỏng (sức căng bề mặt) mà hạt khí phân tán trong đó, nếu màng bọt tồn tại thời gian lâu sẽ kết tụ thêm nhiều vật chất lơ lửng, hình thành váng bọt nổi trên mặt ao nuôi.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng váng bọt trong ao nuôi, BIOTEK xin chia sẻ một số thông tin sau đây giúp người nuôi xác định nguyên nhân để áp dụng biện pháp xử lý hiệu quả hơn.
- Tảo chết:
Khi môi trường ao tích tụ nhiều chất cặn bã hữu cơ, mất cân bằng dinh dưỡng Nito và phospho, nhóm tảo độc như tảo lam, tảo mắt, tảo giáp sẽ phát triển mạnh, tảo nở hoa, sinh ra nhiều chất độc làm tăng độ nhớt nước ao, tạo váng bọt khó tan. Hoặc pH nước ao không ổn định, độ kiềm thấp, hoặc do xử lý hóa chất diệt khuẩn, diệt tảo không phù hợp, tảo sẽ chết đồng loạt (sụp tảo) gây váng bọt trong ao.
Biện pháp xử lý:
– Kiểm tra pH ao nuôi ngày 2 lần vào sáng và chiều để can thiệp kịp thời, không để biến động lớn, tốt nhất là giữ sự dao động pH không quá 0,5 giữa 2 lần kiểm tra. Có thể điều chỉnh pH nước bằng cách bổ sung mật rỉ đường, Men vi sinh xử lý tảo vào ao để giảm quần thể tảo độc, kéo giảm pH, hạn chế pH dao động cao dẫn đến tôm nuôi bị stress và mầm bệnh dễ xâm nhập.
– Duy trì hàm lượng N/P trong nước ao ở mức phù hợp để tảo khuê, tảo lục phát triển bằng cách giảm lượng thức ăn để giảm chất thải hữu cơ dư thừa, bổ sung Men vi sinh xử lý nước định kỳ để phân giải chất hữu cơ trong nước ao nuôi. Trường hợp phát hiện chất hữu cơ tích tụ nhiều trong ao là điều kiện thuận lợi cho nhóm tảo độc phát triển, cần thay nước 30% mỗi lần và liên tục đến khi môi trường ao nuôi trở lại bình thường.
2. Do khí độc:
Trong quá trình phân hủy yếm khí lớp bùn bã hữu cơ từ đáy ao nuôi đã làm sản sinh các khí độc như H2S, CH4, NH3, NO2… Các khí sản sinh sẽ kết hợp lượng oxy hòa tan trong nước để chuyển hóa thành dạng ít độc hơn và sẽ nhanh chóng phóng thích khỏi môi trường. Khi lượng chất thải hữu cơ tích tụ đáy ao nhiều, quá trình phân giải yếm khí xảy ra mạnh, khí độc sẽ gia tăng hình thành váng bọt trong ao.
Nước ao nuôi có pH cao và nhiệt độ cao khả năng gây độc cho tôm càng gia tăng.
Biện pháp xử lý:
– Bổ sung Men vi sinh xử lý đáy vào ao nuôi, đồng thời bổ sung thêm mật rỉ đường để môi trường có tỉ lệ C/N phù hợp cho sự phát triển của vi sinh vật, giúp chuyển hóa nhanh độc chất trong ao nuôi.
– Kết hợp Zeolite và Yucca giúp hấp thu khí độc (do Zeolite tác động kém trong nước mặn, cần tăng liều khi nước nuôi có độ mặn cao).
– Tăng cường chạy quạt, sục khí đáy để tăng oxy hòa tan và tạo điều kiện để phóng thích nhanh khí độc khỏi môi trường nước ao nuôi.
– Tiến hành xi-phông đáy ao định kỳ và thường xuyên.
3. Sự tăng trưởng của vi sinh vật dạng sợi:
Khi nước ao mất cân bằng N và P sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật dạng sợi như Microthrix parvicella, Nocardioforms. Đây là các vi sinh vật có khả năng sản sinh ra các hợp chất kỵ nước kết nối các bọt khí tạo váng bọt, đồng thời, khi chết đi, nhóm vi sinh vật dạng sợi còn phóng thích các chất bề mặt sinh học làm nước tăng độ nhớt, quá trình tạo váng bọt càng gia tăng.
Biện pháp xử lý:
– Sự hiện diện của vi sinh vật dạng sợi thể hiện nước ao ô nhiễm nghiêm trọng, tôm không thể tồn tại trong môi trường có sự hiện diện của vi sinh vật dạng sợi. Cần xi-phông đáy ao và thay nước.
– Bổ sung Men vi sinh xử lý nước (có chứa vi sinh vật có lợi và enzyme) phân hủy bùn bã hữu cơ.
– Kết hợp bổ sung Men vi sinh tiêu hóa thủy sản có chứa Phytase vào thức ăn tôm để hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế đạm dư thừa và phospho không chuyển hóa trong phân, chất thải tôm vấy nhiễm vào ao nuôi.
– Thay 30% nước ao 1 lần đến khi nước có dấu hiệu giảm ô nhiễm, nhạt màu.
4. Tác động của thuốc xử lý nước:
Các chất hoạt động bề mặt như anionic, linear alkylbenzenesulphonic axit, sodium lauryl ether sulphate, ankyl monoetanolamit… thường được các Nhà sản xuất đưa vào các loại hóa chất xử lý nước để làm giảm tác động bề mặt giữa hai chất lỏng, giúp thuốc sát trùng/diệt khuẩn phân tán tốt hơn trong ao nuôi, làm tăng tác động của sản phẩm. Sự hiện diện của chất hoạt động bề mặt trong sản phẩm sẽ làm tăng độ nhớt của nước, là nguyên nhân tạo bọt khi chạy quạt nước hoặc sục khí trong ao nuôi.
Đôi khi sự xuất hiện của Bọt sau khi sử dụng hóa chất xử lý nước là yếu tố đánh giá chất lượng sản phẩm đó do có sự hiện diện của yếu tố làm tăng tác dụng sản phẩm.
Biện pháp xử lý:
Sự hiện diện của bọt trong ao nuôi do chất hoạt động bề mặt trong sản phẩm sẽ nhanh chóng tan đi, không hình thành váng bọt trong ao nuôi nên không cần xử lý.
5. Chất rắn lơ lửng:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hiện diện nhiều của chất rắn lơ lửng trong ao nuôi như: Bổ sung Carbohydrate cho ao nuôi quá mức cần thiết, dùng vôi kém chất lượng để tăng độ kiềm nước ao, mức nước ao thấp, đất sét ven bờ bị rửa trôi vào ao sau mưa, thức ăn dư thừa, nuôi mật độ cao… làm tăng độ đục, độ nhớt của nước, dẫn đến tạo váng bọt trong ao nuôi.
Biện pháp xử lý:
Ao có váng bọt do nhiều chất rắn lơ lửng nếu ít hoặc không có mùi hôi, chỉ cần thay 30% nước ao một lần đến khi nước ổn định trở lại.
Tuy nhiên, trường hợp chất rắn lơ lửng nhiều sẽ gây giảm oxy hòa tan trong nước, tạo điều kiện chất bẩn đóng mang tôm gây cản trở hô hấp, tôm dễ bệnh ngoại ký sinh… Cần tích cực kiểm soát tác nhân gây nên chất rắn lơ lững trong ao như: không dùng vôi nhiễm tạp chất không tan, che phủ bờ bằng bạt nilon để tránh đất rửa trôi, kiểm soát thức ăn thừa, xi-phông đáy ao, bổ sung Men vi sinh xử lý nước thường xuyên…
Team R&D BIOTEK